Ngày đăng: 15/05/2024
Lượt xem: 3006
Mã tin: 163
Đăng tin nhà đất miễn phí và tra cứu quy hoạch chuyên nghiệp

Chỉ trong vài ngày, giá vàng SJC biến động với biên độ rất mạnh, tăng giảm 5-7 triệu đồng mỗi lượng. Người dân vẫn đổ xô nhau mua bán khiến thị trường trở nên bất ổn.

Các chuyên gia cho rằng dù vàng không còn là phương tiện thanh toán nhưng nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy đến nền kinh tế.

“Chẳng nhẽ cứ để giá vàng nhảy múa mãi”?

Đó là câu hỏi của nhiều người trong những ngày gần đây khi giá vàng như con thoi, có phiên điều chỉnh giảm chỉ được vài giờ rồi lại đảo chiều “phi mã.”

Ông Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi giá vàng 'nhảy múa' như thời gian vừa rồi thì công tác quản lý thế nào, không lẽ cứ để nhảy múa như thế?

“Thị trường gì thì thị trường nhưng không thể có thị trường nhảy múa kiểu đó được. Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng, giảm đột biến như thế. Tôi đề nghị phải làm rõ, công tác quản lý nhà nước phải rõ,” ông Phương nói.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chia sẻ chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao. Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo ngành Ngân hàng để quản lý thị trường vàng, nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay thì giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đấu thầu được vài phiên nhưng giá vàng vẫn liên tục lập đỉnh. Vì vậy bà Nga cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ thị trường vàng, phải có bàn tay của Nhà nước để can thiệp.

Phân tích việc giá vàng tăng cao tác động đến nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động cũng tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy.

Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi thấy giá vàng mấy ngày qua lên đến 91-92 triệu đồng/lượng, điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp và tác động đến lạm phát trong nước. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, theo dõi sát sao diễn biến tình hình trong nước và thế giới, có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.”

Nhiều người dân cũng trong tâm lý lo lắng khi thấy giá vàng liên tục tăng nên bất chấp cả trời mưa vẫn đến xếp hàng tại các cửa hàng vàng để mua.

Tiến sỹ Bùi Trinh - Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam phân tích giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

“Lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại tiền tiết kiệm. Tiền tiết kiệm là nguồn lực để tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Vậy mà dòng tiền này lại đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển. Hiện người dân có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất nữa mà đi mua vàng," ông Trinh nói.

Một chuyên gia khác cũng cho rằng giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản… từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.

Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế.

Do đó, theo vị chuyên gia này cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn giá vàng đang tăng điên cuồng hiện nay, để giảm thiểu những tác động đến kinh tế.

Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, hiện giá vàng trong nước đang tăng do chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị.

Thứ hai, trong nhiều năm nay không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng.

Dù giá vàng tăng nhưng vẫn đông người dân sếp hàng mua vàng vì tâm lý giá còn lên nữa. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ ba, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, từ đó đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.

Dù mục tiêu của đầu thầu vàng vẫn là để hạ nhiệt giá vàng, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới nhưng việc đấu thầu chưa diễn ra thành công cũng như chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu, vì vậy giá vàng vẫn tăng, đặc biệt khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm.

“Tuy nhiên, vàng tăng giá vì chịu ảnh hưởng của vàng thế giới, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản suy yếu… khiến cung không đủ cầu. Do đó, chỉ cần lượng vàng được tung ra một cách có kế hoạch, từng bước sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu nhất định cho người dân và làm giá vàng trên thị trường hạ nhiệt,” ông Hiển phân tích.


Có ảnh hưởng nhất định với vốn đầu tư

Theo quy luật, các thị trường như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản, tín dụng luôn có sự liên thông. Tuy nhiên, giá vàng tăng chóng mặt dường như không gây xáo trộn lớn đến thị trường bất động sản. Giá vàng chỉ tác động đến thị trường vốn bất động sản, không tác động trực tiếp đến giá bất động sản. Bên cạnh đó, giá vàng tăng không ảnh hưởng đến giao dịch căn hộ, hoặc chung cư cao cấp, bởi người mua có thói quen thanh toán bằng tiền mặt hoặc USD.

Tuy giá vàng không tác động nhiều đến giá bất động sản, nhưng cũng có những ảnh hưởng nhất định. Đó là việc các nhà đầu tư bị cuốn vào thị trường vàng, làm giảm phần vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.

Đối với giới đầu tư, các kênh: Bất động sản, vàng, chứng khoán và lãi suất tiết kiệm là những yếu tố tham chiếu quan trọng để hoạch định các kế hoạch tài chính ngắn, trung và dài hạn cho dòng tiền tương lai. Sự tăng giá mạnh của giá vàng làm xáo trộn trật tự ưu tiên của các kênh đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay đa phần người dân hướng đến các kênh đầu tư đa dạng, trong đó, đầu tư bất động sản luôn là kênh truyền thống chiếm ưu thế. Thế nhưng vào thời điểm này, giới đầu tư nhận thấy rằng bất động sản trở nên kém hấp dẫn hơn do giá rẻ, dòng tiền đầu tư đổ vào thị trường nhà đất sẽ giảm dần do chủ yếu đầu tư cho thị trường vàng.

Khi đổ dòng tiền vào đầu tư bất động sản, xác định được giá trị sản phẩm ở một khu vực thì giới đầu tư có thể kiểm soát biên độ lợi nhuận mong đợi. Trong khi đó, sự biến động của giá vàng phụ thuộc quá lớn vào tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, biến động nhanh và khó kiểm soát hơn. Vàng vẫn có thể trở thành kênh trú ẩn cho dòng tiền của người trung niên và cao tuổi hoặc nhóm đối tượng không có điều kiện tiết kiệm đa dạng kênh đầu tư và lo sợ rủi ro trượt giá.

Giá vàng tăng cao ảnh hưởng gì đến thị trường bất động sản?

Sau thời gian biến động ở tần số lớn, khi thị trường vàng đã đi vào quỹ đạo ổn định thì bất động sản sẽ nhanh chóng trở lại là kênh trú ẩn ưu tiên. Trước đây, người dân giao dịch, mua bán bất động sản bằng vàng và có thói quen dự trữ vàng, thị trường nhà đất đã từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước biến động của giá vàng. Hiện nay, đa phần người dân phần nào đã bỏ thói quen dự trữ vàng, sử dụng tiền VND để mua nhà đất nên ảnh hưởng giao dịch bất động sản chiếm tỷ trọng rất thấp.

Tuy nhiên, nếu lãi suất có xu hướng giảm thêm thì đây sẽ là biến số có thể làm đảo lộn trật tự ưu tiên kênh trú ẩn của dòng tiền trung và dài hạn. Trường hợp lãi suất giảm sâu hơn, thể hiện ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang thừa tiền thì giới đầu tư bất động sản có khả năng sẽ chuyển hướng đổ tiền vào nhà đất nhiều hơn vàng.

Trên thực tế, suốt một thời gian dài, đầu tư vào bất động sản vẫn an toàn hơn so với đầu tư vàng. Việc rút đầu tư từ bất động sản để chuyển sang kênh vàng là quá mạo hiểm. Nhu cầu mua nhà thực tế của người dân thời điểm này đang rất cao và bất động sản hứa hẹn là lĩnh vực đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới, thay vì “cuốn” vào lướt sóng vàng như hiện nay. Do đó, việc đầu tư vào bất động sản luôn an toàn và cần được ưu tiên hơn…


Tổng hợp: Nguyễn Hiệu - ViLand

Tuyên bố: Thông tin được cung cấp trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại hoặc rủi ro nào phát sinh từ việc sử dụng thông tin này hoặc dựa vào nó. Để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy, vui lòng xác minh thông tin từ nguồn tin cậy khác trước khi thực hiện bất kỳ quyết định hoặc hành động nào.

Có thể bạn quan tâm